Nhân học

Một trong những mong muốn của tôi là trả lời được câu hỏi khi nào một người sẽ cởi mở và thoải mái khi nói về những vấn đề mà họ không muốn nói, để những câu chuyện họ kể ra có thể đối thoại được với nhau. Tôi nghĩ rằng các dự án xã hội hiện nay không tập trung vào việc đối thoại với người bên cạnh mình. Tôi nghĩ rằng nhân học sẽ là lĩnh vực cho tôi nhiều giải pháp nhất. Nên khi tôi biết tin Viện SocialLife mở lớp nhân học, tôi rất háo hức tham gia.

Ban đầu tôi chỉ chú trọng đến phần lý thuyết mà không quan trọng phần kỹ năng viết nghiên cứu lắm, vì nghĩ rằng mình không có ý định làm nhà nhân học chuyên nghiệp. Nhưng bài đọc Về Tính Uy Quyền của Khảo tả Dân Tộc Học của James Clifford đã làm tôi hiểu được rằng quá trình điền dã từ đầu đến cuối luôn bị chi phối bởi việc viết lách. Điều đó không chỉ làm thay đổi quan niệm của tôi về những bài học sắp tới, mà còn kết nối sâu sắc tới một mối quan tâm khác của tôi là nghiên cứu về các công cụ và môi trường nơi sự nghĩ được diễn ra. Hai lĩnh vực này đều cùng bàn về việc viết, về vấn đề văn bản, về trải nghiệm của con người, nhưng chúng lại đi đến những kết luận khác nhau. Lấy ví dụ, ở chủ đề viết, một trong những kết luận của nhà nghiên cứu môi trường nghĩ Andy Matuschak là bởi vì việc viết làm những suy nghĩ của ta không còn là vô hình, nên nó cho phép ta nghĩ về sự nghĩ. Có thể nói sự phát minh của việc viết phát minh ra việc lập luận. Hoặc ở chủ đề văn bản, trong khi các nhà nhân học quan tâm đến việc các thực tại đã bị văn bản hoá như thế nào, và văn bản đó nên được giải văn bản hoá ra làm sao, thì các nhà nghiên cứu về môi trường nghĩ quan tâm đến việc làm thế nào để một văn bản không phải chỉ để truyền đạt thông tin hay hiểu biết một chiều và thụ động, mà còn trở thành một sân chơi cho người đọc tương tác và khám phá.

Ngay buổi học đầu tiên, tôi hiểu rằng điều khiến nhân học khác biệt với những ngành khác là ở chỗ trong khi nhiều ngành học xem con người là kết quả của những thứ bên ngoài trong mối quan hệ nhân quả, thì thứ nhân học chú trọng đến chỉ là việc nói rằng bạn có thể khác biệt, rằng bạn còn có thể là người khác. Buổi điền dã là một cơ hội để tôi cảm nhận rõ ràng hơn ý tưởng này. Tôi bắt đầu để ý hơn vào việc quan sát đồ vật, vì mỗi một đồ vật, hành vi đều là ẩn dụ của một biểu tượng văn hoá. Và qua buổi sửa bài tập viết, tôi đã có thêm một cách lý giải cho việc phong cách viết của mình sẽ làm nhiều người thấy rất tâm đắc nhưng cũng làm nhiều người thấy dội. Đó là vì tôi hay bị cuốn vào việc tạo tình tiết cho văn bản. Việc cài cắm các chi tiết, không trực tiếp nói đồ vật được dùng để làm gì, mà mô tả sao cho người đọc tự liên hệ được tới chức năng của nó sẽ tạo sự cuốn hút ở người đọc, nhưng nếu quá tập trung vào tình tiết mà bỏ qua bối cảnh thì sẽ thành góc nhìn thượng đế. Lớp học đã làm tôi để ý đến khái niệm tình tiết này, chứ từ trước đến nay tôi không hề nghĩ gì về nó. Tôi đã sống trong tình tiết mà không biết gì về tình tiết như vậy đấy.

Bạn có thể đọc thêm các phản hồi của các học viên khác trong khoá học này tại Facebook của Viện SocialLife.

NHÂN HỌC LÀ GÌ? - What is "Anthropology"? - YouTube
Stack Exchange Q&A site proposal: Anthropology and Sociology


Cập nhật lần cuối : 25 tháng 12, 2023
Tạo : 12 tháng 10, 2023