Nỗi ám ảnh với sự hiệu quả có thể đến từ nỗi sợ chết

Quyển sách 4000 tuần: quản lý thời gian cho kẻ tất tử bàn về chuyện càng say mê với những công cụ giúp tiết kiệm thời gian, chúng ta lại càng cảm thấy thiếu thời gian hơn. Ví dụ như chúng ta sáng tạo ra máy giặt, lò vi sóng, thang máy, v.v. là để tiết kiệm thời gian hơn. Thế nên, theo đúng logic, thì hẳn sống ở thời kỳ đồ đá sẽ khiến bạn phát điên vì stress, còn sống ở TP.HCM hay HN thì phải cực kì thảnh thơi nhàn hạ. Thế nhưng thực tế lại ngược lại: tất cả những thứ chúng ta tạo ra để tiết kiệm thời gian lại càng khiến chúng ta cảm thấy mình thiếu thời gian hơn. Bạn cảm thấy mất kiên nhẫn khi lò vi sóng mất tới hai phút để quay xong món ăn, hoặc khi website bạn truy cập tải lâu hơn 250 mili giây. Nhưng nếu đó là nồi bánh chưng hay là thư tay thì chẳng bao giờ bạn cảm thấy thế.

Nghịch lý này xảy ra là bởi vì bạn muốn làm được nhiều thứ hơn trong một thời gian ngắn ngủi. Mong muốn này xuất phát từ việc bạn không muốn chấp nhận sự hữu hạn của bản thân mình. Trong thâm tâm bạn không muốn tin là mình sẽ chết, mặc dù bạn vẫn biết một ngày nào đó mình sẽ chết. Tác giả kể rằng mình từng nói chuyện với một người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối. Cô kể rằng điều cảm thấy khó hiểu với cô là mọi người cứ hỏi cô suy nghĩ thế nào khi biết mình sắp chết, cứ như thể là mọi người không ai biết rằng mình sẽ chết vậy. Chúng ta sẽ luôn bị hấp dẫn bởi những ý hệ chính trị cũng như các phần mềm nào tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng về sự vô biên, phi giới hạn của mình. Hay nói như Umberto Eco thì: “chúng ta thích lập danh sách vì chúng ta sợ chết”. Nên theo tác giả, bí quyết để bạn có thật nhiều thời gian cho những điều ý nghĩa với mình nhất, để không còn phải dằn vặt bản thân về sự thiếu hiệu quả của mình, là hãy dám đối diện với sự hữu hạn của mình, dám chấp nhận sự hữu hạn của mình.

Nguồn::


Cập nhật lần cuối : 8 tháng 3, 2024
Tạo : 1 tháng 5, 2023