Dịch thoát giúp người nghe không chướng tai, nhưng làm mất cơ hội để họ thấy sự khác biệt trong cách tư duy ở nguyên ngữ

“Tâm hồn của người Âu cũng khác mình, lối suy nghĩ nhìn đời của họ cũng vậy; họ lại có những dụng ngữ, ý niệm mà chúng ta không có (chẳng hạn những tiếng gentlement, honnêtre homme, bourgeois, chúng ta không thể dịch cho thật đúng được); ngược lại chúng ta cũng có những dụng ngữ, ý niệm mà họ không có (như tiếng quân tử, sĩ phu, âm dương…). Vì vậy, dịch sách Pháp, Anh chúng ta thường phải dịch thoát, đảo lên đảo xuống, thay đổi tổ chức của câu, có khi ta bắt buộc phải tìm hiểu ý của tác giả rồi quên nguyên tác đi, diễn lại ra sao cho hợp với tinh thần tiếng Việt, để những đồng bào không biết ngoại ngữ hiểu được như ta, hiểu mà không thấy bỡ ngỡ, chướng tai; dịch các sách triết, khoa học như vậy thì không có hại, dịch văn thơ mà phải theo lối đó thì cái hay trong nguyên tác mười phần mất đến sáu bảy,”

“Cách xưng hô, nói năng của họ khác mình, Pháp có những tiếng je, vous, il, mình phải khéo chuyển ra tiếng Việt cho hợp với mỗi hạng người. Vợ chồng họ thường gọi nhau chéri(e) cả trước mặt người lạ; chúng ta không thể dịch sát nghĩa ra là anh yêu dấu hoặc em cưng được, chỉ có thể dịch ra là “mình” hoặc “em” được thôi, trừ khi hai vợ chồng ở trong phòng riêng tỏ vẻ âu yếm với nhau. Rồi những câu tục ngữ của họ nữa, dịch sát thì cũng được, nhưng như vậy thì không khéo mà phải chú thích, phải rán tìm một tục ngữ Việt tương đương để chuyển.”

“Chẳng hạn trong bộ Chiến tranh và Hoà bình,(…) tôi “không dịch câu: “Nous nous connaissions depuis l’âge des chausesettes” là “Chúng tôi biết nhau từ khi còn đi vớ ngắn” (vì trẻ em Việt rất ít khi đi vớ), cũng không dịch là “chúng tôi biết nhau từ khi còn để chỏm” (vì trẻ em Pháp không để chỏm); mà dịch là “chúng tôi biết nhau từ khi hỉ mũi chưa sạch”, cũng đã là khéo chuyển lắm, độc giả chỉ thấy xuôi tai thôi chứ ít ai nhận được công phu của người dịch.”

Còn đây là suy nghĩ của tôi:

Đồng ý là khi dịch ““chúng tôi biết nhau từ khi hỉ mũi chưa sạch” là đúng với tinh thần của nguyên tác, lại nghe rất Việt, rất trôi chảy và dễ hiểu. Nhưng tôi tự hỏi, phải chăng khi dịch như thế, chúng ta đã đánh mất một cơ hội của người đọc để họ hiểu được “Tâm hồn của người Âu cũng khác mình, lối suy nghĩ nhìn đời của họ cũng vậy; họ lại có những dụng ngữ, ý niệm mà chúng ta không có”.
Nguồn:: Nguyễn Hiến Lê


Cập nhật lần cuối : 2 tháng 12, 2023
Tạo : 25 tháng 6, 2023