Chúng ta cần có tiền, nhưng không cần giàu có

Tiền bạc có làm cho người ta hạnh phúc hay không ? Câu trả lời là có. Nhưng với một giới hạn. Giới hạn ấy là mức thu nhập 75 ngàn Đô La một năm ! Đó là kết quả của một nghiên cứu được công bố ngày 7 tháng 9, 2010 trên « Proceedings of the National Academy of Sciences », dựa trên một thống kê được thực hiện bởi viện Gallup, qua 450 ngàn câu trả lời thăm dò mức độ hạnh phúc của 1000 người Mỹ. Phân tích kết quả này, nhà Kinh Tế và Tâm Lý Học Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002), và Angus Deaton (Nobel kinh tế 2015), thuộc Đại học Princeton, cho biết là vượt quá mức thu nhập 75 ngàn Đô La một năm, cảm giác hạnh phúc sẽ không gia tăng. Sự bớt lo lắng hay bớt đau khổ cũng sẽ không suy giảm. 

Tức là : chúng ta cần có tiền, nhưng không cần … giàu có ! 

Mặt khác, đếm tiền có thể đem lại hạnh phúc ! Đã phải cần sự cộng tác của ba trường đại học : Tôn Dật Tiên, Minesota và Florida, để chứng minh điều ấy (Xinyue Zhou, Kathleen Vohs và Roy Baumeister) : 

84 sinh viên được chia làm hai nhóm. Một nhóm đếm tiền và một nhóm đếm … giấy. Sau đó họ phải trải qua một số trắc nghiệm như chơi một trò chơi video trong đó, sau vài phút người chơi có cảm giác bị gạt ra ngoài « cộng đồng » người chơi (sẽ không ai chuyền banh đến cho mình nữa). Kết quả : những người đếm tiền cảm thấy ít bị khủng hoảng bởi sự gạt bỏ khỏi một cộng đồng hơn những người đếm giấy. Họ cũng cảm thấy tự tin và tinh thần họ mạnh mẽ vững chắc hơn. Những trắc nghiệm về khả năng chịu đau (ngâm tay vào nước nóng) cũng cho thấy là những người đếm tiền có sức chịu đựng cao hơn người đếm giấy.

Tuy nhiên, hạnh phúc cũng có thể đến từ việc tiêu xài cho … người khác. Elizabeth Dunn và cộng sự (Vancouver) đã đi đến kết luận này qua một nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 632 người sống rải rác trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, cùng với nhân viên của một công ty ở Boston vừa được lãnh một món tiền thưởng. Cảm giác vui sướng được coi như tỷ lệ thuận với số tiền mà các đương sự đem cho người khác. 

Tóm lại, muốn hạnh phúc, cần có nhiều tiền, và biết tiêu xài cho người khác. Tuy nhiên, ít ai thực sự có nhiều tiền. Vả lại : bao nhiêu mới gọi là « nhiều » ? Vì thế, trước khi thực nghiệm hạnh phúc tiêu xài cho người khác, vẫn cần phải có đủ tiền để tiêu xài cho chính mình trước đã ! 

Nhưng, bao nhiêu mới gọi là « đủ » ?

Nguồn:: Nguyễn Hoài Vân - Khoa Học - Xã Hội - Y Khoa : Hạnh Phúc và Tiền Bạc

Tiền có mua được hạnh phúc không? Nhiều người hay trích nghiên cứu của Kahneman và Deaton, nói rằng tiền có làm tăng hạnh phúc thật, nhưng sau khoảng $75k (≈ 1.8 tỷ VND) thì hạnh phúc không tăng thêm nữa. Nghiên cứu này được thực hiện năm 2010 bằng phương pháp hỏi người phỏng vấn. Năm 2021 Killingsworth cho một kết quả ngược lại: hạnh phúc vẫn còn tiếp tục tăng sau $75k. Phương pháp nghiên cứu là khảo sát tâm trạng người tham gia qua app, 3 lần mỗi ngày trong vài tuần. Killingsworth và Kahneman mới ngồi lại với nhau để nghiên cứu kỹ hơn dữ liệu của Killingsworth. Kết quả cho thấy:

• Trước $100k (≈ 2.4 tỷ VND) thì tiền tăng hạnh phúc tăng
• Sau $100k thì với nhóm ít hạnh phúc nhất thì tiền tăng hạnh phúc không tăng nữa. Các nhóm còn lại thì vẫn tăng. Đặc biệt, nhóm hạnh phúc nhất thì mức độ tăng hạnh phúc tăng nhiều nhất

• Tóm tắt nhanh: https://youtu.be/vSQjk9jKarg?si=-ZZ1K4jWMhatcSnT&t=1096
• Bài báo chi tiết: https://www.pnas.org/doi/epdf/10.1073/pnas.2208661120


Cập nhật lần cuối : 8 tháng 3, 2024
Tạo : 2 tháng 12, 2023