Diễn giải văn bản không phải là sự đối thoại do nó không phụ thuộc vào việc có mặt của người nói

Khái niệm:: Diễn giải, đọc, Văn bản
Một phần quan trọng của sự kiến tạo cuộc đá gà thành một văn bản là một quá trình hội thoại và đối mặt với một số người Bali chứ không phải là việc đọc và diễn giải văn hóa đằng sau lưng họ

Một bước quan trọng thứ hai trong phân tích của Ricoeur chính là việc ông mô tả quá trình chuyển đổi từ “diễn ngôn” sang văn bản. Diễn ngôn, theo định nghĩa kinh điển của Benveniste, là một phương thức giao tiếp mà trong đó bao giờ cũng có một chủ thể nói chuyện và có một tình huống giao tiếp cụ thể. Diễn ngôn được đánh dấu bởi các đại từ nhân xưng (được nói ra hoặc ngầm chỉ) như “Tôi” và “Anh/Chị”, và bởi những từ nặng tính quy chiếu về không gian và thời gian diễn ngôn (deictic indicators) như “đó”, “đây” và “hiện nay” vv…vốn đánh dấu giây phút hiện tại ngay lúc diễn ngôn chứ không phải là cái gì sau lúc diễn ngôn. [Với những từ này- NHĐ] Diễn ngôn bao giờ cũng gắn kết với một tình huống cụ thể [lúc diễn ngôn] mà trong đó một chủ thể tận dụng những nguồn lực của ngôn ngữ để đối thoại. Ricoeur cho rằng diễn ngôn không thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau như cách mà văn bản được “đọc” [theo nhiều cách khác nhau] bởi những người đọc. Để có thể hiểu diễn ngôn thì chính anh “phải có mặt ở đó”, khi có sự có mặt của chủ thể đang thực hiện diễn ngôn. Để diễn ngôn trở thành văn bản, nó phải trở nên “đôc lập”, theo cách mô tả của Ricoeur, hoàn toàn tách rời khỏi những lời nói cụ thể hoặc chủ đích của tác giả. [Nói khác đi- NHĐ] Diễn giải [văn bản] không còn phải là sự đối thoại. Nó không phụ thuộc vào việc có mặt một người nói.

Tính phù hợp của sự phân biệt này [giữa diễn ngôn và văn bản được diễn giải] đối với điền dã dân tộc học là rất rõ ràng. Một nhà điền dã dân tộc học rồi cũng sẽ phải rời khỏi thực địa, đem theo văn bản để có thể thực hiện việc diễn giải sau này. (Và trong số những “văn bản” đem đi thì chúng ta có thể nói đến những trí nhớ về các sự kiện đã được mô hình hóa, đơn giản hóa, lược bỏ ra khỏi bối cảnh trực tiếp để có thể diễn giải trong giai đoạn tái thể hiện và mô tả lại sau này). Không giống như diễn ngôn, văn bản có thể dịch chuyển được. Nếu như phần lớn việc viết lách trong điền dã dân tộc học được thực hiện ở thực địa thì việc cấu trúc lại để tạo ra một chuyên khảo dân tộc học được thực hiện ở một nơi khác. Những dữ liệu được tạo ra trong các điều kiện mang tính đối thoại hay diễn ngôn [ở hiện trường thực địa] được biến đổi sang dạng văn bản. Các sự kiện và tương tác trong nghiên cứu trở thành [văn bản trong] nhật ký thực địa. Trải nghiệm trở thành những câu chuyện, những chuyện đã xảy ra và có ý nghĩa, hoặc thành các ví dụ.

Sự phiên dịch của trải nghiệm nghiên cứu thành một tập văn bản tách rời khỏi những sự kiện diễn ngôn vốn là nguồn gốc của tập văn bản này có hệ quả quan trọng đối với tính uy quyền của điền dã dân tộc học. Dữ liệu được tái tạo không còn là sự trao đổi đơn thuần của một số cá nhân cụ thể. Sự giải thích và mô tả của một người cung cấp thông tin về phong tục không còn cần để dưới dạng thông điệp như “ông A/bà B đã nói điều này”. Một sự kiện hoặc nghi lễ được văn bản hóa không còn liên quan chặt chẽ đến quá trình mà những con người cụ thể tham gia đã tạo dựng nên sự kiện đó. Thay vào đó những văn bản đã trở thành bằng chứng cho một bối cảnh rộng lớn hơn, hay cho một thực tại “văn hóa”. Hơn nữa, khi mà những tác giả và diễn viên cụ thể đã bị tách ra khỏi sản phẩm của họ, thì một “tác giả” mang tính tổng quát phải được sáng tạo ra để giải thích cho cái thế giới hay bối cảnh mà trong đó các văn bản đã được tạo ra. Tác giả tổng quát này có nhiều tên gọi khác nhau: cách nhìn bản địa, “những người dân ở Trobriand”, “người Nuer”, “người Dogon” và những câu chữ tương tự khác xuất hiện trong các chuyên khảo dân tộc học. “Người Bali” đóng vai trò tác giả của sự kiện đá gà mà Geertz đã văn bản hóa trong tác phẩm của mình.

Nguồn:: James Clifford, Về Tính Uy Quyền của Khảo tả Dân Tộc Học
Những câu trả lời luôn giả định người hỏi hiểu trước một vài khái niệm