Bỏ qua

Khái niệm:: Nhận thức, Ngôn ngữ

Nhận biết, hiểu và hiểu biết

1.

Tiếng Việt rất không thuận lợi cho việc tìm hiểu các mức độ nhận thức. Không phải vì chúng ta thiếu chữ, mà bởi chúng ta hay nói tắt, dùng chữ ẩu, không nhất quán và đặc biệt mơ hồ trong suy nghĩ. Vì thế các thuật ngữ Phật học không có cơ sở ngôn ngữ, nên không có chức năng gợi ý, khó suy diễn thành nội hàm, nên lại càng lộn xộn.

2.

Đặc biệt trong tiếng Việt có chữ “biết” có hai nghĩa: biết sơ sơ, loáng thoáng “biết rồi”. Chữ “biết” này ở dưới mức “hiểu”. Vì hiểu đã là bạn bè, còn “tao có biết thằng đó”, có khi biết mặt chưa chắc đã biết tên 🙂. Tuy nhiên, lại có chữ “biết” khác cao hơn hiểu, như khi hiểu một đề tài nào đó khó, chưa phải là expert (chuyên gia) là người “biết” lĩnh vực đó. Có lẽ tình trạng này sinh ra vì thói nói tắt “nhận biết” tức là chưa hiểu, hiểu thật sâu, thật kỹ, có thể biến hóa, tìm căn nguyên mới gọi là “hiểu biết”.

3.

Thực ra nhận thức là một quá trình dài, có nhiều mức, giai đoạn mà loài người cho đến nay vẫn đang sờ soạng, chưa định lượng được. Chữ Hán đã bắt đầu sử dụng các chữ khác nhau như cảm, xúc, nhận, tỉnh, giác, tri, thức, trí, ngộ, thông, niệm, định, tuệ. Các nhà sư Việt Nam vì không hài lòng với chữ “tuệ” với nghĩa đã sử dụng quá mòn trong đời sống nên bịa ra thêm chữ “huệ” để mô tả một mức cao hơn. Thực ra “huệ” và “tuệ” chỉ là hai phiên âm của cùng một chữ Hán. Huệ ít thông dụng hơn nên có vẻ thiêng liêng, thần bí. Rồi cũng trong chữ Hán, người ta có thể pha trộn các chữ trên để tạo thành các “hợp chất” mới: “xúc nhận”, “cảm nhận”, “cảm xúc”, “nhận thức”, “tri thức”, “tri nhận”, “tri giác”,… để mô tả nhiều trạng thái ở các mức độ, sắc thái khác nhau hơn mà thuật ngữ Phật học bằng chữ Phạn và chữ Pali mới có.

4.

Trong tiếng Việt, chúng ta có thể dùng cả những chữ Việt như thấy, biết, hiểu, thấu, thấm, ngấm trộn với các chữ Hán Việt để ra vô số tổ hợp đủ để mô tả các trạng thái khác nhau. Tuy nhiên, do chúng ta và kể cả ngôn ngữ Hán cùng các tu sĩ Phật, còn mơ hồ, mờ mịt về vấn đề này, nên chưa có một hệ thống danh pháp đủ sức khiêu ý, gợi ý cho tư duy. Trong trường hợp chỉ cần có chữ để chỉ các trạng thái khác nhau thì đáng ra chẳng cần tìm cách dịch làm gì, mà chỉ cần phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn, tiếng Pali như kiểu “bồ đề”, “nam mô”, “úm ba la”, “niết bàn”, “thích ca”, “ba la mật đa”, “a tì đàm” là đủ. Nếu muốn có một hệ thống danh pháp (nomenclature), có khả năng suy diễn khiêu ý để gợi ý cho tư duy thì cần phải có quy tắc.

5.

Trong hệ thống từ chữ Hán, Hán Việt, Việt bùng nhùng nói trên, không phải từ nào cũng có ý nghĩa nguyên tố, có khả năng tổ hợp. Trước khi hiểu rõ quá trình nhận thức, có lẽ việc định ra các trạng thái “nguyên tố”, “gốc” có lẽ chỉ là tương đối. Theo tôi, có lẽ nên chia theo 7 mức độ như sau “cảm”, “giác”, “xúc”, “tri”, “thức”, “tuệ”,”ngộ”, nếu muốn tinh tế. Nếu chỉ cần biết thô có lẽ chỉ cần 4 mức độ: cảm, giác, tri, thức.

6.

Chúng ta hãy phân tích sự khác nhau trong mức độ và sẽ cố gắng thể hiện điều này khi tạo ra các từ mới:

a. Cảm là sense: mới có các tín hiệu đầu tiên như trong “cảm biến” (sensor). Trong cảm sẽ có nhiều mức độ khác nhau.

b. Giác: tín hiệu vật lý được chuyển thành dữ liệu, có thể lưu trữ, so sánh với các định dạng khác nhau. Rõ ràng giác cũng có chỗ nhiều mức khác nhau.

c. Xúc như trong touched có sự xúc động “moved” tạo hiệu ứng trong tâm lý. Nếu phân loại thô, có thể coi xúc là một trạng thái đặc biệt của “giác”. Nói như ngôn ngữ nhà Phật, xúc có liên quan đến “tưởng”.

d. “Tri” là nhận biết (get to know- mới biết, mới quen), “nhận” có 2 mức. Thấp là nhận biết, nhận dạng (recognize) cao là nhận thức (perceive).

e. “Thức” là đã có được ý thức “consciousness”. Tuy vậy, có thể chia thành “cảm thức”, lên quan đến các ấn tượng giác quan, nhận thức giác quan. Nói như nhà Phật đó là ngũ thức đầu tiên (nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tị thức, thân thức), ở mức này tuy gọi là “thức” nhưng chưa có khái niệm. Thực ra chúng ta có thể có nhiều hơn ngũ thức nếu có các loại cảm, giác khác. Như gần đây người ta có nói về các nhận thức, cảm giác như proprioception, internoception,.... Tất cả những nhận thức này đều mới là cảm thức, chưa có khái niệm trừu tượng (pháp) vì thế tôi cho rằng nên tách ra một tầng riêng có lẽ dùng một chữ khác thấp và còn mơ hồ hơn Thức, chẳng hạn “Niệm”.

f. Nhận thức được với các khái niệm là đã có năng lực trừu tượng hóa, nhận thức quy luật, có thể phân loại. Trong ngôn ngữ nhà Phật, đây gọi là “ý thức” tuy nhiên dùng chữ này có thể lẫn với phạm trù Ý thức trong triết học để chỉ Chân Nguyên (Atman-Ontos)- Hồng Phạm (Brahman-God). Ý thức trong lục thức của Phật học thực ra chỉ liên quan đến “ý nghĩ”, “ý tưởng”, “ý niệm” (chữ Phạn là mano-vijnana). Nếu các “cảm thức” đã dùng chữ “thức”, “ý thức” này nên dùng chữ “tuệ”. (Chúng ta để dành chữ “ngộ” cho mức độ cao nhất).

Để hình thành các khái niệm mới, “tuệ” phải dùng các khái niệm có sẵn. Và các khái niệm này luôn bị pha trộn bởi ẩn ý, vô thức, cái tôi (Ngã),… cho nên có thể có sai lạc. Phật học gọi đây là Mạt Na thức (manas có nghĩa là nhiều ý nghĩ, nhiều ý niệm) hay còn gọi là Tư thức (trong chữ Tâm Tư). Chúng ta có thể gọi là Tư tuệ.

7.

Cố nhiên, đây mới là đề xuất sơ bộ và tiên khởi, chưa phải là cuối cùng, nên cũng chưa phải là hoàn hảo mà có thể suy nghĩ thêm, nếu có khuyến khích và ném đá.

Nguồn:: Aiviet Nguyen - Nhận biết, hiểu và hiểu biết,…