Tự đặt ra các câu hỏi ngớ ngẩn chính là cách bạn học lại những gì bạn tưởng là mình đã hiểu rõ

Sự hữu ích, có lẽ cũng giống như cái đẹp, phụ thuộc rất nhiều vào người nhìn nhận. Cùng một ý tưởng có người sẽ thấy nó chấn động tâm can, có người lại thấy nó không khác gì là hoang tưởng. Nên việc một người cảm thấy câu hỏi không biết để làm gì, thậm chí là vô nghĩa, không có nghĩa là người khác cũng thấy thế. Họ không cảm thấy vậy vì có thể là họ chưa đủ nền tảng để hiểu nó có những tiềm năng gì.

Hoặc đó cũng có thể là vì người đặt câu hỏi hoàn toàn có thể cho bạn điều bạn cần, nhưng họ không vội cho bạn điều đó, mà đang dẫn dắt bạn để bạn tự lấy được thứ bạn cần. Họ cho bạn cần câu, chứ không cho bạn con cá.

Đó là chưa kể, chúng ta luôn truy cầu mọi thứ nhất định phải có một lý do. Có lần, khi tôi bị đối chất rằng câu hỏi của mình không biết để làm gì, tôi bắt đầu đi tìm lý do hợp lý cho việc hỏi nó. Về sau tôi nghĩ lại, thực ra là tôi sợ là câu trả lời thực sự của mình không được chấp nhận mà thôi. Vì sự vô nghĩa đang bị phê phán, nên việc nói rằng câu hỏi đó từ đầu là vô nghĩa hiển nhiên sẽ không được chấp nhận rồi. Nhưng rồi tôi nhận ra mình cũng chẳng cần phải lo sợ gì cả. Có những khi những chuyện không quan trọng và không khẩn cấp lại xứng đáng có vị trí ngang hàng với những thứ quan trọng và khẩn cấp. Chúng cho phép những thứ ngẫu nhiên được lọt vào trong sự bận rộn của chúng ta, giúp ta khám phá được những thứ mà ta không nghĩ là mình cần biết, và gợi ý giải pháp cho những thứ quan trọng hơn. Có những thông tin ban đầu ta cũng không biết nó được dùng để làm gì, nhưng mãi lâu sau ta mới thấy được sự cần thiết của nó. Có lẽ nếu chỉ đặt một câu hỏi để có câu trả lời thì ta không tận dụng hết được tiềm năng của việc đặt câu hỏi. Tự đặt ra các câu hỏi ngớ ngẩn chính là cách bạn học lại những gì bạn tưởng là mình đã hiểu rõ.

Bạn có biết?

Năm 1969, khi điều trần trước Ủy ban liên hợp của Thượng viện Mỹ về năng lượng hạt nhân, trả lời câu hỏi liệu vật lý năng lượng cao có giá trị gì đối với việc bảo vệ quốc gia hay không, Robert Wilson, giám đốc FermiLab – viện máy gia tốc hạt năng lượng cao nhất thế giới lúc bấy giờ, đã nói: “Nó chẳng dính dáng gì trực tiếp đến bảo vệ quốc gia, ngoài việc làm cho quốc gia đáng được bảo vệ.”

Bạn có biết?

Được thành lập vào năm 1991, Giải Ig Nobel là một sự nhại lại những gì tốt đẹp của Giải Nobel nhằm tôn vinh “những thành tựu thoạt đầu khiến mọi người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ”. Và nghiên cứu được vinh danh thoạt nhìn có vẻ nực cười, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có giá trị khoa học.

  • Giải Ig Nobel Kinh tế được trao cho Christopher Watkins và các đồng nghiệp vì đã cố gắng định lượng mối quan hệ giữa bất bình đẳng giữa thu nhập quốc dân của các quốc gia khác nhau và số lần hôn môi trung bình.
  • Giải Ig Nobel Côn trùng học được trao cho một nhà nghiên cứu người Mỹ Richard Vetter vì đã thu thập bằng chứng nhiều nhà nghiên cứu côn trùng sợ nhện.
  • Giải Ig Nobel Quản lý được trao cho năm sát thủ chuyên nghiệp người Trung Quốc khoán thầu cho nhau để thực hiện một vụ giết người thuê, nhưng không ai thực sự thực hiện vụ giết người.
  • Giải Ig Nobel Hòa bình thuộc về các nhà ngoại giao của chính phủ Ấn Độ và Pakistan vì họ ấn chuông cửa của nhau vào nửa đêm, sau đó chạy đi trước khi có người mở cửa.
  • Giải Ig Nobel Giáo dục y tế được trao cho một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Boris Johnson, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Jair Bolsonaro vì đã chứng minh cho thế giới thấy trong bối cảnh Covid-19, các chính trị gia có thể gây tác động ngay lập tức lên sự sống và cái chết hơn các nhà khoa học và bác sĩ.
  • Giải Ig Nobel Y học được trao cho các bác sĩ vì chẩn đoán một tình trạng y tế lâu nay không được công nhận: Chứng rối loạn tâm thần kinh và cảm giác lo lắng khi nghe âm thanh nhai của người khác.
  • Giải Ig Nobel Vật lý vinh danh Ivan Maksymov và Andriy Pototsky vì nghiên cứu xác định hình dạng của giun thay đổi như thế nào khi chúng bị rung ở tần số âm thanh cao.
  • Giải Ig Nobel Tâm lý học được trao cho hai nhà khoa học vì đã phát minh ra phương pháp xác định người tự ái bằng cách kiểm tra lông mày của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy lông mày là một dấu hiệu phi ngôn ngữ đặc biệt quan trọng để đánh giá các đặc điểm tính cách tự ái. Nghiên cứu của họ được công bố trên Tạp chí Nhân cách năm 2018. Những người tham gia nghiên cứu đánh giá độ dày của lông mày là dấu hiệu rõ ràng nhất của lòng tự ái.
  • Giải Ig Nobel Khoa học vật liệu được trao cho một nhóm các nhà khoa học vì đã “chỉ ra rằng dao được sản xuất từ ​​phân người đông lạnh hoạt động không tốt”.