Nợ đã hiện hữu từ trước khi con người phát minh ra tiền bạc
Người ta thường cho là tiền tệ được phát minh để bù đắp cho những yếu kém của đổi chác. Những công trình khảo cổ và sử học hoàn toàn phủ nhận trình tự này.
Đổi chác được dùng đối với những người không cùng cộng đồng kinh tế. Trong khi đó, giao dịch thông thường nhất, giữa những người sống trong cùng một cộng đồng, thì dựa trên việc nhận nợ.
Nợ đã hiện hữu từ trước khi con người phát minh ra tiền bạc. Các phiến đất sét mang chữ viết xưa nhất của loài người trong vùng Mésopotamie, chính là những « chứng nợ », có thể được sử dụng để trao đổi như một loại tiền. Xã hội, trên phương diện kinh tế, là một hệ thống nợ nần, ràng buộc mọi con người với nhau.
Nhà vua, chủ của xã hội, “sở hữu” xã hội, in hình ảnh, biểu tượng, của mình trên các đồng tiền “chứng nợ” ấy, để cho mọi người ý thức rằng họ đều mang nợ ông ta (“nợ nước, ơn vua” !). (1)
Nợ ấy được chuyển giao cho những thành viên của xã hội, để họ cũng nợ nần lẫn nhau. Khi bạn cầm đồng lương trong tay, thì bạn liền tự cho là mình “mắc nợ” chủ nhân, phải nỗ lực gia công trả nợ … (2)
Trả nợ trở thành một mệnh lệnh luân lý tối thượng. Danh dự của con người, dòng tộc, và cả quốc gia, tùy thuộc vào việc trả nợ. Người cha hấp hối sẽ trối lại cho đứa con phải thay mình … trả nợ !
Đó là lý do một số tôn giáo (Ky Tô, Hồi Giáo …) một thời cấm chuyện cho vay lấy lời. Họ sợ là luân lý đến từ nợ nần, nếu được tự do phát triển, sẽ trở thành luân lý mạnh mẽ nhất, vượt trên luân lý của tôn giáo.
Chi phiếu (chèque) đến từ chữ Ả Rập “Sakk” hiện diện từ thế kỷ 8 dưới triều đại Abbasside. Tiền giấy xuất hiện vào thế kỷ 10 tại Trung Hoa. Nó vốn được bảo đảm bởi quý kim, cho đến tháng 8 năm 1971, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon “thả nổi” đồng Đô La. Việc leo thang chiến tranh tại Việt Nam đã khiến cho ngân quỹ Hoa Kỳ thâm hụt, dự trữ vàng thất thoát, đưa đến biện pháp không dùng quý kim để bảo đảm giá trị của đồng Đô La nữa. Tiền tệ khắp nơi, vốn được định giá bằng Đô La, cũng đều bị thả nổi. Giá trị tiền tệ chỉ còn dựa vào niềm tin (3). Và vì niềm tin là một yếu tố chủ quan, nên biến cố này đẩy mạnh đầu cơ tài chính. Kết quả là một tình trạng bất ổn, với những khủng hoảng liên tiếp, đưa đến phá sản, thất nghiệp, mất tiền để dành, tiền hưu trí v.v…
Sự tùy thuộc của toàn thế giới vào đồng Đô La Mỹ đưa đến một dạng đế quốc mới : người ta cho Hoa Kỳ vay không dưới 30 ngàn tỷ USD, để được “hưởng thụ” sự thống trị của nước này (4). Hoa Kỳ cũng được đặc quyền tạo ra tiền tệ, một hình thức móc túi những ai thủ giữ Đô La ở khắp nơi …
Tóm lại, đổi chác thường được coi như diễn ra giữa những tác nhân bình đẳng, trong khi tiền tệ là công cụ của thống trị, quyền lực, gò bó, chiến tranh, nô lệ …
Mặt khác, nều tiền, dưới mọi hình thức, là một yếu tố cần yếu cho cuộc sống (như không khí …) thì nó phải được quản lý dựa trên quyền lợi chung, chứ không phải một cách vụ lợi, cho nó và vì nó. Guồng máy tài chính, xây dựng trên mệnh lệnh trả nợ, không phải là tinh hoa của đạo đức, mà chỉ là kết quả của tương quan lực lượng. Mệnh lệnh trả nợ là một quy ước dựa trên sức mạnh, phải được đặt đúng vị trí của nó, tùy thuộc tương quan xã hội có thể được điều chỉnh.
Nguyễn Hoài Vân
14/4/2020
(1) Tiền là một phương tiện đơn giản để trả “lương” thuê lính mở mang biên thùy (nhớ “lương” nghĩa gốc là “thức ăn”), mua nô lệ phát triển sản xuất, tức những phương tiện tăng cường quyền lực.
(2) Haiti, thuộc địa của Pháp, với 90% dân chúng là nô lệ, tuyên bố độc lập năm 1804. Mãi đến 1825, nước Pháp mới công nhận nền độc lập này, nhưng đòi hỏi một món nợ là 150 triệu francs-vàng (tương đương 28 tỷ USD, theo Piketty), để đền bù việc “chính quốc” bị mất nô lệ, nhân danh quyền “tư hữu”. Haiti rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải nhiều lần vay thêm để trả nợ, cho đến … 1960 ! Nạn nhân của nạn nô lệ phải đền bù cho người mang tội khai thác nô lệ …
(3) Như câu « in God we trust » được viết trên đồng Đô La !
(4) Nhớ là khởi đầu của tình trạng này là chiến tranh Việt Nam. Thế giới đóng góp cho sức mạnh quân sự vô địch, cũng như sự thống trị, của Hoa Kỳ.
Nguồn:: Nguyễn Hoài Vân, Nguyễn Hoài Vân - Chính Trị - Lịch Sử: Đổi chác và tiền tệ