Ta muốn cái được phải chắc chắn, trong khi cái mất ta có thể mạo hiểm

Khái niệm::
“Tưởng tượng bạn đang tham gia bắt thăm trúng thưởng, bạn chỉ có 2 lựa chọn

  • Lựa chọn A: bạn chắc chắn trúng 50,000 đồng.
  • Lựa chọn B: bạn có 50% cơ hội trúng 100,000 đồng

Bạn sẽ chọn phương án nào?”

Trong bối cảnh này, đa số sẽ chọn phương án A, phương án an toàn với giải thưởng (cái được). Nhưng ngược lại, nếu như:

“Tưởng tượng bạn phải nộp phạt cho một lỗi mà bạn phạm phải, bạn chỉ có 2 lựa chọn:

  • Lựa chọn A: bạn chắc chắn mất 50,000 đồng
  • Lựa chọn B: bạn có 50% khả năng bị mất 100,000 đồng

Bạn sẽ chọn phương án nào?”

Đa số sẽ chọn phương án B, phương án mạo hiểm đối với cái mất, mặc dù nếu nhìn lại, bạn có thể nhận thấy, hai lựa chọn A và B trong cả hai ví dụ đều mang lợi ích/ tổn hại tương tự nhau.

Con người rất phức tạp nhưng luôn chia sẻ một đặc tính chung, nỗi lo hãi với sự mất mát “loss aversion”, họ sẽ né tránh sự mất mát bằng mọi giá, vì trong nhận thức của hoj, cùng một giá trị, bao giờ đối với bạn cái được cũng nhỏ hơn cái mất (Hình 1), và bạn muốn cái được phải chắc chắn, trong khi với cái mất, bạn có thể mạo hiểm. Điều này có thể thấy rất rõ ràng trong bối cảnh đầu tư, đấu giá hay cá cược. Nhìn vào mô hình ở chiều kích mất (Loss) (Hình 2). Người chơi cá độ bóng đá có thể thua 100 USD, việc thua thêm 50 USD không ảnh hưởng đến họ (giá trị chủ quan – Subjective value – SV) bằng việc họ gỡ lại được 50 USD (SV1 < SV2). Đây cũng là một trong những mô hình tâm lý được dùng để lý giải xu hướng đầu tư vào những khoản chi phí chìm “sunk cost” (khi đã đầu tư rất nhiều chi phí vào 1 dự án, con người có khuynh hướng tiếp tục đầu tư vào dự án đó dù không còn khả năng sinh lời, hay nói cách khác, đáng lẽ họ nên từ bỏ dự án đó để tránh tổn thất lớn hơn, họ lại đầu tư thêm với mong muốn “gỡ gạc” được phần nào đó các khoản chi phí đã bỏ ra) (Arkes & Blumer, 1985) .

Năm 2002, một nhà tâm lý học đã nhận được giải…Nobel Kinh tế, với nghiên cứu về hiệu ứng trượt giá tâm lý (endownment effect) - biểu hiện của nỗi lo hãi mất mát (loss aversion) và Prospect Theory, trong đó giá trị của một sản phẩm trong mắt người sở hữu nó và cũng là người bán luôn cao hơn ít nhất 1.5 lần giá trị mà người mua đánh giá ở cùng một sản phẩm. Trong thị trường tự do (như mua bán nông sản, nhà đất) hiệu ứng này khiến cho tỷ lệ trao đổi hàng hóa giảm đến 50%. Hai ví dụ trên là một trong những ví dụ kinh điển cho hai học thuyết nền tảng của hiệu ứng này, Prospect Theory, và Mental Accounting (được xây dựng bởi Thaler, và Tversky, và Daniel Kahneman - nhà tâm lý đạt giải Nobel kinh tế. Theo Mental Accounting, một nhà tâm lý biết rằng bạn sẽ có khuynh hướng:

  • Tách biệt những cái được (bạn thích nhận 100,000 rồi lại nhận 50,000 hơn là nhận một lúc 150,000)
  • Cộng gộp những cái mất (bạn thà mất 150,000 một lúc hơn là mất 100,000 rồi lại mất thêm 50,000)
  • Cộng gộp cái mất nhỏ và cái được lớn (bạn thích nhận 900,000 hơn là nhận 1 triệu rồi lại mất 100,000)
  • Tách biệt cái mất lớn và cái được nhỏ (bạn thích mất 1 triệu nhưng được 100,000 hơn là mất 900,000 một lúc)

Nguồn:: Nhà tâm lý học kinh tế (Economic Psychologist) – Những nhà tâm lý thực dụng