Chủ thể tính của lao động¶
Trong bài viết này, rất khó để nói được dàn trải. Tôi xin tập trung vào một chủ đề thứ yếu hơn nhưng thực dụng hơn: nhuận bút của AI, bằng lăng kính của triết học về lao động. Chúng ta sẽ cùng sử dụng một vài lý thuyết triết học để bản thể luận về vấn đề AI.
Nhiều người mất việc làm hoặc giảm thu nhập do ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các ngành sáng tạo, trong đó có cả ngành biên kịch, rất gần gũi với văn chương. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng một ngày không xa AI sẽ thay thế con người trong những lĩnh vực lao động sáng tạo. Một phần vốn lao động của xã hội được tiết kiệm, những hình thức và tư liệu lao động mới ra đời. Điều này ít nhiều làm chúng ta nhớ đến thời kỳ cách mạng cơ khí, khi nhiều người công nhân mất việc do các cỗ máy hơi nước đã làm quá tốt quy trình sản xuất mà không kêu mệt mỏi.
Liệu AI có giống như vậy không? AI có phải là một cuộc cách mạng mới, ít nhất trong ngành nghề sáng tạo? Đây sẽ là câu hỏi cơ bản hơn để trả lời cho câu hỏi AI có viết được văn chương một ngày không xa? Và rõ ràng, vì nó rất cơ bản, nó không dễ để trả lời. Những điều cơ bản đã buộc chúng ta quay về với triết học. Chưa bao giờ triết học lại quan trọng đến như vậy. Ở riêng vấn đề này, chúng ta sẽ cùng xem bản chất của lao động sáng tạo là gì.
Trước hết, mục đích lao động, là tạo ra giá trị và khai phá thế giới. Martin Heidegger cho rằng con người không gì khác là Dasein: là một ưu tư về tồn tại, bởi trong chúng ta đã có nền tảng của tồn tại, nó làm ta phân biệt được vật thể, thiết lập được không gian logic, làm ta quan tâm đến thế gian, hiện hữu của chính mình, làm ta nghĩ mãi về ý nghĩa đời sống. Con người hiểu thế gian trước hết thông qua sử dụng và cải tạo thế gian, đó là hình thức sơ khởi của lao động. Từ cấp độ lớn này, thế giới được kiến tạo thông qua lao động, tạo nên hệ thống trao đổi và hình thành nhu cầu lao động, nhu cầu kinh tế. Trong Grundrisse (_một trước tác vốn là bản sơ thảo của Tư Bản Luận),_ Karl Marx phân biệt giữa Lao động cụ thể (concrete labor) và Lao động trừu tượng (abstract labor), đó là hai mặt của lao động: một là tạo ra các giá trị cụ thể với đối tượng lao động riêng, một mặt khác là tạo ra giá trị tổng thể trên quá trình sử dụng, phân công lao động, trao đổi giá trị trên thị trường.
Có lẽ cần nói một cách dễ hiểu và đời thường hơn ở mục này. Theo thường niệm, có ba hình thức của lao động như chúng ta thấy: dạng chuyên gia, dạng quản lý và dạng nhà lãnh đạo. Chuyên gia như đã rõ, là những người làm một công việc, sử dụng công cụ lao động, phương thức sản xuất để trả lại thành phẩm cuối cùng: một lập trình viên, một người phu quét đường. Quản lý (Manager), phức tạp hơn, là người tổ chức lao động, tinh chỉnh các mô hình lao động, đôi khi là người sử dụng lao động và trả lương cho người lao động. Còn lãnh đạo (Leader) là tạo ra ý chí của lao động. Dễ nhận thấy ba hình thức này xếp thành các cấp độ lao động từ cụ thể đến trừu tượng. Thực ra trong lao động của một người (“lao động trừu tượng” – theo thuật ngữ của Marx), chúng ta đều ít nhiều đóng cả ba vai. Một mặt, chúng ta làm công việc chuyên môn, mặt khác chúng ta tổ chức hoặc tham gia tổ chức lao động với một ý hướng tính rõ rệt về thế giới. Lao động cung cấp cho con người “chủ thể tính”. Một sự lao động chỉ đạt được toàn vẹn ý nghĩa, khi nó được phát xuất từ một chủ thể tính. Ngược lại, các sự vật đều không lao động: mặc dù chiếc máy hút mùi của chúng ta tiêu thụ cả hơn 1KW mỗi giờ, nhưng nó không lao động. Nó không có chủ thể tính, ít nhất là chủ thể tính của lao động, của Dasein.
Cho đến hiện tại, AI đang thay thế vai trò của một số khâu trong dạng chuyên gia. Ta thấy thấp nhất là các robot hút mùi, robot hỗ trợ y tế… chúng được cung cấp một dữ liệu đủ lớn để giải quyết mọi vấn đề mà chúng biết. Dạng cao hơn, các máy học, có bản chất giống như trải nghiệm lao động của con người, đó là học hỏi từ sơ khởi, rút kinh nghiệm và tự cải tạo. Trong lĩnh vực này, AI đã bắt đầu sáng tác âm nhạc, tham gia một số hoặc toàn bộ khâu biên kịch. Ở đây nảy sinh ra vấn đề: liệu nó có phải là một lao động? Tuy nhiên, dù câu hỏi này có được trả lời là có, thì ít nhất cho đến hiện tại AI là một dạng lao động cụ thể, theo một cách hiểu phóng khoáng nhất. Nó không có lao động trừu tượng và vì vậy không có chủ thể tính của một lao động. Nó không đòi hỏi nhuận bút hay cải tạo thế giới, nó cũng không cải tạo, phân công và khai thác lao động như một nhà quản lý. Ngược lại, nó đòi hỏi cần một nhà quản lý, một nhà lãnh đạo đưa nó vào sử dụng, với nhuận bút bằng 0.
Sáng tạo tất nhiên là một lao động. Chúng có đầy đủ các khía cạnh của lao động trừu tượng. Ở mức cao nhất, một người làm sáng tạo trước hết vì ý chí của một Dasein: cải tạo tạo thế giới. Ngược lại, AI không lao động nghệ thuật vì chúng đang dừng ở mức mô phỏng lao động cụ thể của con người. Bất kể việc năng lực học hỏi giúp chúng tìm ra trong những gì đã trải nghiệm, một phương cách lao động mới mẻ, thậm chí là một tạo tác hoàn toàn mới, thì chúng không đại diện cho ý chí của lao động. Nói một cách có phần tiêu cực, AI đang là một tư liệu lao động cao cấp, nó biến những khả thể lao động trở nên giá trị hơn chỉ bởi năng lực nội tại của nó, về dữ liệu và về tốc độ xử lý. Vì không lao động nghệ thuật, ngày mà AI viết văn còn rất xa.
Nguồn:: A.I sáng tác văn chương - nhà văn Đức Anh
Người sử dụng AI không thể tự nhận mình là tác giả của tác phẩm do nó tạo ra được, vì nghệ thuật đòi hỏi ta phải đưa ra rất nhiều lựa chọn
Sự khác biệt giữa con người và mô hình ngôn ngữ lớn là con người có niềm tin và có thể kiểm chứng niềm tin từ môi trường bên ngoài
Đằng sau vẻ ngoài tự trị của AI là những người làm công việc dán nhãn và kiểm duyệt, vô hình và bếp bênh